Kiến trúc sư tài danh Hồ Thiệu Trị: Amelie Villa là cơ duyên với Phú Mỹ Hưng
Nếu với ‘’ông lớn’’ Nam Sài Gòn, Amelie Villa là điểm son đánh dấu sự quay lại phân khúc nhà liền thổ sau hơn nửa thập niên thì với kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Amelie Villa được xem như một tác phẩm để truyền tải thông điệp về một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn.
Gần đây, Hồ Thiệu Trị đã bắt tay với Phú Mỹ Hưng để phát triển dự án nhà ở Amelie Villa.
Trong cuộc trò chuyện mới nhất với chúng tôi, vị kiến trúc sư tài danh đã mang đến nhiều câu chuyện, nhiều góc nhìn thú vị về một không gian đáng phải tận hưởng.
Chào ông, được biết đến là một kiến trúc sư thành danh ở cả Pháp lẫn Việt Nam, từng thực hiện rất nhiều dự án quy mô lớn ở cả 2 đất nước, vậy thì đâu là lí do ông hợp tác với Phú Mỹ Hưng để thực hiện dự án nhà ở Amelie Villa?
Với tôi, một công trình dù lớn hay nhỏ đều có giá trị đặc biệt mà chúng tôi gọi là tác phẩm. Mà đã là tác phẩm nghệ thuật thì không thể cân đo đong đếm về quy mô, điều quan trọng là người kiến trúc sư cần làm gì để không gian trở nên đặc biệt. Chính vì vậy, khi Phú Mỹ Hưng có lời mời tham gia vào dự án này, tôi cùng các cộng sự đều rất hào hứng. Chúng tôi mong muốn rằng, trên một diện tích không quá lớn – chỉ khoảng hơn 4 hecta sẽ là một kiệt tác kiến trúc để tận hưởng trọn vẹn giá trị cuộc sống.
Tôi cũng muốn nói thêm về cơ duyên với Phú Mỹ Hưng. Năm 1995, tôi quay về Việt Nam “lập nghiệp’’ và có nghe tin Phú Mỹ Hưng đang tổ chức cuộc thi về quy hoạch đô thị. Nhưng do lúc đó tôi đang thực hiện trùng tu Nhà hát lớn Hà Nội nên không thể tham gia. Khi biết SOM (Mỹ) sẽ là đơn vị quy hoạch khu đô thị, tôi rất vui vì đây là một công ty về quy hoạch đô thị nổi tiếng trên thế giới.
Là một kiến trúc sư có bề dày kinh nghiệm và cố vấn cho một số tỉnh thành trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc, ông nhận xét như thế nào về sự phát triển của Phú Mỹ Hưng?
Trên phương diện kiến trúc sư, tôi đánh giá khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một tác phẩm có chiều sâu mà SOM đã để lại, một sự can đảm tuyệt vời của những người quy hoạch. Từ 30 năm trước đã nhìn thấy hình ảnh một khu đô thị trên vùng đất đầm lầy.
Và điều quan trọng nhất là cách thực hiện, quản lý của chủ đầu tư, gần 30 năm vẫn không thay đổi quy hoạch. Bây giờ đi đâu người ta cũng lấy Phú Mỹ Hưng làm mô hình thí dụ trong quy hoạch đô thị.
Phú Mỹ Hưng cũng không phải quá xa lạ với tôi, ở đây có nhiều không gian mà tôi rất thích, như Hồ Bán Nguyệt… Tôi vẫn thường ra đây gặp gỡ đối tác, khách hàng, bạn bè. Với sự cảm mến dành cho Phú Mỹ Hưng, khi chủ đầu tư đưa ra lời mời tham gia vào dự án mới, tôi thấy đây cũng là một mối duyên nên đã đồng ý ngay.
Với cơ duyên này, chắc hẳn ông đã dành nhiều tâm huyết cho Amelie Villa?
Như tôi có chia sẻ, với người kiến trúc sư, mỗi dự án dù lớn hay nhỏ đều là một tác phẩm. Điều quan trọng để tạo nên một tác phẩm đó là chất liệu, nguồn cảm hứng. Khi bắt tay vào thực hiện dự án, tôi nhớ đến hình ảnh những vùng đất xinh đẹp và lãng mạn bậc nhất nước Pháp mà mình từng đặt chân đến. Đó là Saint-Tropez, Saint-Malo – những thị trấn ven biển với nhiều con đường lát đá nhỏ xinh, không gian cộng đồng rộng lớn, những di tích thành cổ trăm năm lưu giữ giá trị nguyên bản Pháp. Hai vùng đất này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để tôi lên ý tưởng thiết kế Amelie Villa.
Lấy cảm hứng từ những địa danh nổi tiếng của Pháp, Amelie Villa có phải sẽ là một dự án mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp không, thưa ông?
Sau nhiều thảo luận, tôi và các cộng sự quyết định lựa chọn phong cách kiến trúc Tân cổ điển Pháp cho dự án Amelie Villa. Lý do, thứ nhất, trong suốt thời gian ở tại Việt Nam, người Pháp đã để lại nhiều công trình mang tính chất dấu ấn của từng thời kỳ. Gần như các công trình tiêu biểu của thành phố đều là kiến trúc Pháp, gắn liền với kí ức người Sài Gòn và để lại sự cảm mến đặc biệt. Thứ hai, phong cách Tân cổ điển Pháp có sự dung hòa giữa nét quyến rũ, tinh tế, sang trọng lại vừa hữu dụng về mặt công năng.
Tuy nhiên, do đặc tính khí hậu miền Nam chỉ có hai mùa: mưa và nắng nên chúng tôi cũng nghiên cứu để tạo nên một công trình vừa mang hơi thở Pháp vừa hòa quyện với văn hóa Sài Gòn như gia tăng số lượng và kích thước cửa sổ nhằm tối ưu khả năng đón gió và ánh sáng tự nhiên; xử lý độ cao trần thông minh để tăng độ thông thoáng; ứng dụng hệ mái mansard vừa “che nắng che mưa”, tạo điểm nhấn ngoại quan vừa tạo thêm không gian để cư dân bố trí các công trình phụ trợ…
Đâu là thách thức lớn nhất khi thiết kế dự án Amelie Villa và Hồ Thiệu Trị đã có lời giải như thế nào?
Thách thức đối với chúng tôi trong quá trình thực hiện dự án là làm sao để hài hòa giữa phong vị Pháp và “chất” sống người Sài Gòn.
Người Sài Gòn xưa nay vốn được biết đến với tính cách quảng giao, hào sảng, phóng khoáng… Hơn thế nữa, nhu cầu của cư dân bây giờ không chỉ đơn thuần một phòng ngủ rộng hay phòng khách khang trang mà còn bao gồm cả không gian bên ngoài ngôi nhà. Chính vì vậy, ở dự án Amelie Villa, chúng tôi đặt mục tiêu phải tạo ra những không gian cộng đồng lớn để cư dân có thể ra ngoài nhiều hơn. Trẻ em hay người lớn đều sẽ có những không gian phù hợp.
Khu phố đó có những lối đi bộ, có những cửa hàng, có những không gian sinh động, có quảng trường để người ta có thể ngồi thư giãn và nói chuyện với nhau. Đồng thời, trong khu phố đó cũng có những không gian yên tĩnh để người ta có thể sống chậm lại, thưởng thức hương vị của gió, của cây xanh – mặt nước.
Tất cả những yếu tố này sẽ mang đến một cuộc sống tiện nghi. Tiện nghi ở đây không chỉ là tiện nghi về vật chất mà là tiện nghi về không gian để cư dân có thể sống một cách thoải mái, cảm nhận được nơi an cư của mình có những giá trị đặc biệt.
Ở đây, tôi muốn mượn hình ảnh ly rượu vang để ví von với dự án. Một ly vang thượng hạng sẽ đánh thức 5 giác quan để cảm nhận đủ đầy sắc, hương, vị được ủ kỳ công. Và Amelie Villa cũng được kiến tạo bằng tất cả tâm huyết để không chỉ đánh thức ngũ quan theo cách phong phú và thú vị nhất.
Tôi từng đọc được ở đâu đó rằng, đối với người Pháp, ngôi nhà như một điều dịu dàng nhất, một điều êm đềm nhất. Vậy thì, trên phương diện là người đã thổi hồn, khắc họa nên những ngôi nhà Amelie Villa, thông điệp ông muốn gửi gắm là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn bạn lắng nghe bài hát Avec le temps (tạm dịch: Với thời gian) – bài hát nổi tiếng của Pháp mà tôi rất thích:
“Theo thời gian, mọi thứ đều trôi qua
Người mà mọi người đã hâm mộ, người mà mọi người đã tìm dưới mưa
Người mà mọi người đoán trong nháy mắt
…
Với thời gian tất cả đều trôi qua”.
Tôi muốn mượn ý bài hát này để nói rằng, với thời gian, tất cả mọi thứ đều dần lui vào kỉ niệm. Chỉ có ngôi nhà mà bạn lựa chọn là điều còn lại mãi mãi, trường tồn với thời gian và lưu giữ vẹn nguyên kí ức đa thế hệ, là tài sản, báu vật để truyền gia, truyền đời. Đó cũng là thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua tác phẩm mới nhất của chúng tôi – Phú Mỹ Hưng Amelie Villa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.